Lịch sử Jeddah

Tiền Hồi giáo

Một số nghiên cứu khảo cổ gợi ý về sự tồn tại của dân cư trong vùng Jeddah ngày nay từ thời đại đồ đá, do họ phát hiện một số đồ tạo tác và chữ viết 'Thamoud' tại wadi (thung lũng) Breiman về phía đông của Jeddah và wadi Boib về phía đông bắc của Jeddah. Một số sử gia truy nguyên việc thành lập Jeddah cho bộ lạc Bani Quda'ah, họ sống tại đây sau khi Sad (đập) Ma'rib vỡ vào năm 115 TCN. Một số người cho rằng Jeddah có dân cư trước thời bộ lạc Bani Quda'ah là các ngư dân biển Đỏ, họ xem đây là một trung tâm để ra khơi cũng như là nơi nghỉ ngơi. Theo một số tường thuật, lịch sử Jeddah có từ sơ khởi trước thời Alexandros Đại đế, ông đến thành phố từ 323 đến 356 TCN.[9]

Các cuộc khai quật tại khu thành cổ đề xuất rằng Jeddah được bộ lạc Quda'a lập nên trong vai trò là một làng chài vào năm 522 TCN, họ rời khỏi miền trung Yemen để đến định vư tại Mecca[10] sau khi đập Marib tại Yemen bị phá huỷ.[11]

Thành phố Jeddah là một cảng quan trọng trong mậu dịch hương trầm của người Nabatae. Mashrabiya cổ nhất được phát hiện tại Jeddah có niên đại từ thời tiền Hồi giáo.

Trung đại

Jeddah vào năm 1938

Jeddah lần đầu được chú ý là vào khoảng năm 647, khi khalip Hồi giáo thứ ba là Uthman Ibn Affan chuyển nơi này thành một cảng cho Mecca thay cho cảng Al Shoaiba.[12] Vào năm 703, hải tặc đến từ Vương quốc Aksum đã chiếm đóng thành phố trong một thời gian ngắn.[13] Jeddah đã hình thành với vị thế là thành phố chính của vùng Hejaz lịch sử và là một cảng lịch sử cho những người hành hương đi bằng đường biển đến Mecca để thực hiện cuộc hành hương Hajj.

Đế quốc Umayyad kế thừa toàn bộ Đế quốc Rashindun, bao gồm cả Hejaz, và cai trị từ năm 661 đến năm 750. Jeddah duy trì là một cảng dân sự trọng yếu, phục vụ cho các ngư dân và khách hành hương bằng đường biển đến Hajj. Người ta cho rằng Lãnh địa sharif của Mecca lần đầu tiên được bổ nhiệm trong giai đoạn này, đay là một phó vương danh dự cho vùng đất thánh.

Đế quốc Abbass kế tục Umayyad vào năm 750, khalip tại Baghdad mở rộng và cai trị đế quốc cho đến năm 1258. Hejaz chỉ nằm dưới quyền cai trị của đế quốc cho đến năm 876, khi Nhà Tulun của Ai Cập giành quyền kiểm soát Ai Cập, Syria, Jordan và Hejaz. Đấu tranh quyền lực giữa Tulun và Abbas về Hejaz kéo dài trong 30 năm, kết thúc khi Nhà Tulun cuối cùng rút khỏi bán đảo Ả Rập vào năm 900. Đến năm 930, các thành phố chính của Hejaz là Medina, Mecca và Taif bị người Qarmat tấn công, song không rõ Jeddah có bị tấn công hay không. Thế lực mới tại Ai Cập là Vương triều Ikhshid đoạt quyền kiểm soát Hejaz vào đầu năm 935.

Đến năm 969, Đế quốc Fatima từ Algeria nắm quyền kiểm soát tại Ai Cập từ tay Vương triều Ikhshid và mở rộng đế quốc của họ đến Hejaz và Jeddah. Đế quốc Fatima phát triển một mạng lưới mậu dịch rộng lớn tại cả Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương thông qua biển Đỏ.

Sau khi Saladin chinh phục Jerusalem, đến năm 1171 ông xưng là sultan của Ai Cập sau khi Fatima sụp đổ, lập ra Vương triều Ayyub. Ayyub chinh phục Hejaz bao gồm cả Jeddah vào năm 1177 dưới thời lãnh đạo của Sharif Ibn Abul-Hashim Al-Thalab (1094–1201). Trong một thời gian chiếm hữu tương đối ngắn ngủi, người Ayyub mở ra một kỷ nguyên thịnh vượng kinh tế trên vùng đất họ cai trị, và việc tạo điều kiện cùng bảo trợ của Ayyub dẫn đến hồi sinh hoạt động tri thức trong thế giới Hồi giáo. Vương triều Ayyub củng cố thế chi phối của Hồi giáo Sunni trong khu vưc bằng cách xây dựng nhiều madrasas (trường học Hồi giáo) trong các thành phố lớn của họ. Jeddah thu hút các thuỷ thủ và thương nhân Hồi giáo từ Sindh, Đông Nam ÁĐông Phi, cùng những nơi xa xôi khác.

Năm 1254, sau khi Ayyub tan rã, Hejaz trở thành bộ phận của Vương quốc Mamluk cũng định đô tại Cairo. Nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Vasco da Gama tìm được đường qua mũi Hảo Vọng và kiếm được các hoa tiêu từ bờ biển Zanzibar vào năm 1497, tấn công các đội tàu chở hàng hoá và khách hành hương Hồi giáo từ Ấn Độ đến biển Đỏ. Các thân vương của GujaratYemen quay sang nhờ Ai Cập giúp đỡ. Sultan Al-Ashraf Qansuh al-Ghawri trang bị một hạm đội gồm 50 thuyền dưới quyền Hussein người Kurd. Jeddah nhanh chóng được củng cố bằng một bức tường đá, sử dụng lao động cưỡng bức, trở thành một bến cảng cho người tị nạn khỏi lực lượng Bồ Đào Nha, giúp bảo vệ bán đảo Ả Rập và biển Đỏ. Một phần tường thành vẫn tồn tại cho đến nay trong khu thành cổ. Nghĩa trang của các binh sĩ Bồ Đào Nha vẫn còn trong khu thành cổ cho đến nay và được gọi là di tích phần mộ Cơ Đốc nhân.[14]

Đế quốc Ottoman

Đô đốc Ottoman Selman Reis bảo vệ Jeddah chống lại một cuộc tấn công của Bồ Đào Nha vào năm 1517.

Đến năm 1517, người Thổ Ottoman chinh phục Vương quốc Mamluk vào thời Selim I.[15] Do vốn thuộc về Mamluk, Jeddah chuyển sang thành lãnh thổ của Ottoman. Người Ottoman xây dựng lại tường thành yếu của Jeddah vào năm 1525 sau chiến thắng của họ trước hạm đội của Lopo Soares de Albergaria trên biển Đỏ. Tường thành của người Thổ có sáu tháp canh và sáu cổng thành. Chúng được xây dựng nhằm phòng thủ Jeddah trước cuộc tấn công của Bồ Đào Nha. Trong số sáu cổng thành, cổng Mecca nằm về phía đông, còn cổng Al-Magharibah đối diện với cảng ở phía tây. Cảng Sharif quay về phía nam, các cổng còn lại là cổng Al-Bunt, cổng Al-Sham (còn gọi là cổng Gate of Al-Sharaf) và cổng Medina quay về phía bắc.[16] Người Thổ còn xây dựng Qishla Jeddah, một thành trì nhỏ cho binh sĩ tại thành phố. Trong thế kỷ XIX, giảm còn bốn cổng thành lớn với bốn tháp canh. Các cổng lớn này là cổng Sham ở phía bắc, cổng Mecca ở phía đông, cổng Sharif ở phía nam, và cổng Al-Magharibah ở phía biển.

Năm 1802, quân Nejd chinh phục cả Mecca và Jeddah từ tay Ottoman. Đến khi Sharif Ghalib Efendi thông báo cho Sultan Mahmud II về sự viện, Sultan ra lệnh cho phó vương Ai Cập là Muhammad Ali Pasha tái chiếm thành phố. Muhammad Ali lấy lại thành công thành phố trong trận Jeddah vào năm 1813.

Đến ngày 15 tháng 6 năm 1858, náo loạn xảy ra tại thành phố, nó được cho là do một cựu cảnh sát trưởng xúi bẩy nhằm phản ứng với chính sách của Anh tại biển Đỏ, dẫn đến sát hại 25 tín đồ Cơ Đốc giáo, trong đó có các công sứ Anh và Pháp cùng thành viên gia đình họ, và các thương gia Hy Lạp giàu có.[17] Tàu chiến của Anh HMS Cyclops đậu tại cảng, oanh kích thành phố trong hai ngày và khôi phục pháp luật-trật tự.[18]

Hiện đại

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Sharif Hussein bin Ali tuyên bố khởi nghĩa chống lại Đế quốc Ottoman, nhằm tìm cách độc lập khỏi người Thổ và lập nên một nhà nước Ả Rập thống nhất duy nhất trải dài từ Aleppo tại Syria đến Aden tại Yemen. Hussein tuyên bố thành lập Vương quốc Hejaz. Sau đó, Hussein có chiến tranh với Ibn Saud, tức Sultan của Nejd. Hussein thoái vị sau khi Mecca thất thủ vào năm 1924, con ông là Ali bin Hussein trở thành tân vương. Vài tháng sau, Ibn Saud chinh phục Medina và Jeddah thông qua một thoả thuận với cư dân Jeddah sau trận Jeddah thứ nhì. Ibn Saud phế truất Ali bin Hussein, và Ali phải đào thoát đến Baghdad.

Jeddah nằm dưới quyền cai trị của Vương triều Saud vào tháng 12 năm 1925. Năm 1926, Ibn Saud lấy thêm tước hiệu Quốc vương Hejaz. Jeddah để mất vị thế lịch sử trong chính trị bán đảo Ả Rập sau khi thành phố được đặt trong vùng Makkah có thủ phủ tại Mecca.

Từ năm 1928 đến năm 1932, Cung điện Khuzam mới đã được xây dựng để làm dinh thự cho Quốc vương Ibn Saud tại Jeddah. Cung điện nằm ngay phía nam của khu thành cổ và được xây dựng dưới quyền giám sát của kỹ sư Mohammed bin Awad bin Laden. Sau năm 1963, cung điện dược sử dụng làm một nhà khách hoàng gia; kể từ năm 1995, nó được sử dụng làm bảo tàng khu vực về khảo cổ học và dân tộc học.[19]

Các tường và cổng còn lại của thành cổ bị phá huỷ vào năm 1947. Một vụ hoả hoạn vào năm 1982 phá huỷ một số toà nhà cổ trong trung tâm đô thị cổ mang tên Al-Balad, song phần lớn chúng vẫn được bảo tồn bất chấp lợi ích thương mại trong việc phá các toà nhà cũ (Naseef, Gabil) để xây các toà nhà cao tầng hiện đại. Một cuộc khảo sát trong khu vực cổ được tiến hành vào năm 1979, cho thấy rằng có khoảng 100 toà nhà truyền thống vẫn tồn tại, song số lượng các cấu trúc có giá trị lịch sử lớn lại rất ít. Năm 1990, cơ quan bảo tồn khu vực lịch sử Jeddah được thành lập.[20][21]

Thành phố hiện đại được mở rộng vượt ra khỏi ranh giới cũ. Khu vực đô thị hoá chủ yếu lan về phía bắc dọc bờ biển Đỏ, vươn đến sân bay mới trong thập niên 1990 và vòng qua nó hướng đến lạch Ob'hur, cách trung tâm thành phố cổ khoảng 27 km.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Jeddah http://www.albaik.com/en/section/albaik-talk/how-w... http://arabnews.com/saudiarabia/article481836.ece http://www.arabnews.com/saudi-arabia/news/668036 http://www.asharqalawsat.com/details.asp?section=4... http://www.asiarooms.com/travel-guide/saudi-arabia... http://www.asiarooms.com/travel-guide/saudi-arabia... http://www.asiarooms.com/travel-guide/saudi-arabia... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/31568/hi... http://www.chicagotribune.com/business/breaking/ch... http://www.daleeli.com/en/cityguide/Jeddah.html